Ứng phó khi xảy ra động đất tại Nhật Bản

Nhật Bản nằm trong nhóm các nước xảy ra động đất nhiều nhất thế giới, mỗi năm có thể hứng chịu khoảng 126.000 trận động đất lớn nhỏ. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra, các bạn hãy theo dõi bài viết dưới để làm giảm tối đa thiệt hại cho bản thân nhé.

1. Động đất là gì?

Động đất (地震) là hiện tượng rung chuyển trên bề mặt Trái Đất do kết quả của sự giải phóng năng lượng ở lớp vỏ Trái Đất và phát sinh ra sóng địa chất.

Mỗi năm, Nhật Bản có thể hứng chịu khoảng 126.000 trận động đất, có những trận mà người dân không để ý thấy.

Trận động đất khủng khiếp xảy ra gần đây nhất chính là thảm họa kép ở Tohoku năm 2011. Trận động đất này mạnh tới 9 độ Richter, xảy ra ngoài khơi bờ biển Nhật Bản vào ngày 11/03/2011. Theo cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, có 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản, hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.

2. Dấu hiệu nhận biết động đất

Dù các nhà địa chất học nhiều thế hệ đã nỗ lực rất nhiều để đưa ra những dự báo động đất chính xác về thời gian, địa điểm, cường độ và các tình trạng khác. Tuy nhiên, cho đến nay, động đất vẫn là một thiên tai chưa thể dự báo trước được.

Dù vậy, bạn vẫn có thể nhận biết động đất thông qua những biểu hiện bất thường của động vật như chó, mèo, cá, sóc,... Trước khi động đất xảy ra, sự chuyển động của lớp đất đá dưới lòng đất có thể phát ra sóng điện mà một số động vật có thể cảm nhận được, nên chúng thường cảm nhận được động đất trước khi con người có thể cảm nhận được.

3. Chuẩn bị trước động đất

Vì động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên các bạn hãy chuẩn bị sẵn những thứ sau đây để đề phòng bất trắc nha.

- Tham gia các lớp đào tạo kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai.

- Cài đặt app cảnh báo thiên tai.

- Tránh kê giường gần tủ, để đồ nặng trên cao, gần lối ra vào đề phòng khi xảy ra động đất có thể rơi xuống người bạn gây bị thương hoặc chặn lối ra vào.

- Nắm rõ các lối cửa thoát hiểm và các số điện thoại khẩn cấp (y tế, cảnh sát,...).

- Chuẩn bị sẵn ba lô có chứa dụng cụ y tế, nước, đèn pin, pin dự phòng, radio cầm tay, thực phẩm, quần áo đồ dùng cá nhân,... Đặc biệt, nhớ để giấy tờ tùy thân ở nơi dễ lấy đề phòng lệnh di tản khẩn cấp nhé.

4. Ứng phó khi xảy ra động đất

- Nếu bạn đang ở nhà hoặc cơ quan, khi xảy ra động đất, hãy ngay lập tức chui xuống gầm bàn để tránh cho đồ đạc đập trúng người, gây thương tích. Luôn lấy tay ôm lấy đầu và mặt nhé.

- Nếu không gần chiếc bàn nào thì hãy ngồi vào 1 góc, lấy tay ôm lấy đầu và mặt để tránh vật dụng rơi trúng nhé.

- Ở yên trong nhà tránh chạy lung tung giữa các phòng đến khi hết rung chuyển.

- Lý thuyết “tam giác sự sống” đến giờ vẫn gây ra tranh cãi về cách sống sót khi xảy ra động đất. Mặc dù lý thuyết này khác hoàn toàn so với ý kiến của các cơ quan cứu hộ danh tiếng, nhưng vẫn được áp dụng khi động đất xảy ra. Lý thuyết này cho rằng khuyên rằng khi động đất xảy ra, cần tìm chỗ trú ẩn gần các trang thiết bị vững chắc nơi có thể tạo ra một không gian an toàn.

- Nếu bạn ở ngoài trời: hãy tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện và tìm chỗ trống để đứng.

- Nếu ở gần biển có thể bạn sẽ phải đối mặt với cơn sóng thần có thể xảy ra sau trận động đất, hãy chạy đến nơi có cùng đất cao và an toàn trước nhé.

- Wifi miễn phí được cung cấp cho người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai để có thể tra cứu thông tin cần thiết trong trường hợp mạng di động gián đoạn: 00000 JAPAN

5. Sau khi xảy ra động đất.

- Kiểm tra chính mình và người xung quanh xem có bị thương hay cần băng bó gì không

- Tránh đi qua các tòa nhà, qua cầu vì vẫn có thể có nguy hiểm tiềm ẩn nếu chưa được cơ quan chức năng kiểm tra mức độ an toàn.

- Làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nếu có.

- Dùng đèn pin kiểm tra xung quanh nhà, khóa van gas, nước, đường dây điện và những chỗ có khả năng gây nguy hiểm xung quanh.

- Sử dụng radio cầm tay để cập nhật tình hình cụ thể.

Nhật Bản là nơi thường xuyên xảy ra động đất nên các bạn hãy chuẩn bị kỹ nhất có thể nhé để đảm bảo an toàn cho mình và người xung quanh nhé.

Bình luận